Mua giày leo núi dã ngoại: Coi chừng hàng giả, hàng dỏm!

Mua giày leo núi dã ngoại: Coi chừng hàng giả, hàng dỏm!

Kinh Nghiệm
Câu chuyện về giày Việt Nam xuất khẩu (VNXK)
Với thị trường lao động giá rẻ, Việt Nam đang là thị trường gia công chiến lược của rất nhiều hãng giày chạy bộ lớn trên thế giới. Puma, Adidas, Nike đã có mặt ở nước ta từ rất lâu, sau đó là các hãng khác như Asics, Brooks, New Balance,… cũng tiến vào thị trường. Việt Nam trở thành một trong những trung tâm gia công giày lớn nhất trên thế giới (bên cạnh Trung Quốc và Indonesia). Từ đó dần hình thành khái niệm giày Việt Nam Xuất Khẩu.

Hàng Việt Nam Xuất Khẩu (VNXK) là gì?
Theo luật, tất cả giày của các hãng nước ngoài gia công trong nước đều phải xuất đi nước ngoài. Từ đó mới có khái niệm giày Việt Nam xuất khẩu. Hiểu đơn giản giày VNXK là hàng mà các hãng ở nước ngoài đặt gia công ở Việt Nam và xuất khẩu các thị trường nước ngoài theo quy trình khá nghiệm ngặt (Adidas, Nike, Puma, New Balance,…). Nhưng bằng nhiều cách mà một số hàng này có thể bị tuồn ra khỏi nhà máy và xuất hiện trên thị trường nội địa kèm theo cái mác Hàng Việt Nam Xuất Khẩu.

Hàng VNXK ở đâu ra?
Nghe tên VNXK là thấy vô lý rồi đúng không các bạn? Xuất khẩu mà tại sao lại có ở trong nước!?!? Vậy nguồn gốc của nó ở đâu ra? Dưới đây là một số nguồn cung cấp cho thị trường giày VNXK hiện nay

1. Hàng làm dư
Bất kỳ đơn hàng gia công sản xuất nào cũng được sản xuất nhiều hơn yêu cầu đặt hàng của hãng để dự phòng cho hàng lỗi hàng hư khi kiểm hàng. Số hàng dư này phải được tiêu hủy theo đúng quy định của hãng nhưng đôi khi lại bị lọt ra ngoài thị trường. Tuy nhiên số này rất hiếm vì nếu bị hãng phát hiện ra là công ty đó bị kiện lên đường liền.

2. Hàng ăn cắp
Công nhân có thể lợi dụng kẻ hỡ của khâu bảo vệ để tuồn hàng ra ngoài bán kiếm ít tiền xài. Hàng ăn cắp có thể là hàng làm mẫu hoặc hàng đang sản xuất đại trà, số lượng này rất hạn chế.

3. Hàng xuất lỗi
Hàng lỗi tất nhiên theo quy định phải bị tiêu hủy (bị cắt đôi hoặc cắt nát) để không ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của các hãng. Tuy nhiên, giày cắt vẫn có thể bị tuồn ra cho các thương gia ráp lại và bán dưới cái tên “giày cắt”.

4. Hàng fake, hàng dỏm
Hàng này chiếm đến phần lớn lượng giày VNXK trôi nổi trên thị trường hiện nay. Các xưởng giày giả sẽ sản xuất dựa vào mẫu hàng chính hãng lấy về rồi làm y chang nhưng chất lượng thì ….mua về xài mới biết. Giá hàng này chỉ bằng 1/2 đến 1/4 giá chính hãng. Hàng này thường được sản xuất ở Trung Quốc, dán mác Made In Vietnam sau đó được nhập qua biên giới và biến thành hàng VNXK.

Làm sao phân biệt hàng thật và hàng giả?
Hàng giả bây giờ có nhiều loại: từ hàng nhái loại bèo đến hàng fake rồi hàng super fake. Loại bèo nhất hàng nhái nhìn vô biết liền, đường may rất xấu xí, form giày méo mó, chẳng ra hình dạng gì cả. Logo của hãng làm cực kỳ cẩu thả

Loại fake cao cấp nhất thường được gọi là super fake thì y hệt hàng thật. Đừng tin các hướng dẫn kiểm tra hàng thật – hàng giả qua cách kiểm tra tem giày đang được chia sẻ tràn lan trên mạng. Chẳng lẽ cá “tập đoàn” sản xuất giày giả có thể copy ra một đôi y hệt hàng chính hãng mà lại bỏ qua chi tiết tem dán để các bạn có thể phát hiện ra được sao? Các bài viết đó cũng là từ các thương gia buôn giày ra cả thôi.

Người ta nói vỏ quít dày có móng tay nhọn. Hàng giả luôn được nâng cấp thường xuyên để có thể đánh lừa được người tiêu dùng nào ham hàng hiệu giá rẻ. Vì thế, hãy quên chuyện tìm cách phân biệt hàng thật và hàng giả đi nhé!

Ah mà nếu bạn muốn học cách phân biệt thì cứ google, sẽ tìm được nhiều kết quả hướng dẫn tận tình lắm. Nhưng không ai bảo đảm hướng dẫn đúng hay sai đâu!